10/12/11

Nhà tình thương chùa Diệu Giác – Quận 2


Nằm trên đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, trong khuôn viên chùa Diệu Giác, phía bên phải là chánh điện, bên trái là nơi cư trú của những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, lang thang không nơi nương tựa. Ban đầu, từ những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa, cảm thương số phận những sinh linh bé nhỏ, các ni sư đem về chùa nuôi dưỡng chăm sóc. Từ một, hai cháu lúc đầu, hiện nay số cháu ngày càng đông. Để đảm bảo nơi tu hành yên tĩnh cho các sư và có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng số trẻ nhỏ ngày càng tăng, các ni sư, phật tử đã che tạm một cái nhà lá sát bên chùa làm nơi nuôi dưỡng các cháu. Dần dần nhờ sự đóng góp của các tăng ni phật tử, các nhà hảo tâm gần xa, qua mấy lần xây dựng, ngôi nhà dần dần trở nên khang trang, sạch đẹp như ngày nay. Tuy nhiên bên trong mỗi phòng cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, các bé nhỏ còn nằm trên những chiếc giường tre khô cứng trông thật đáng thương.


Nhà tình thương Diệu Giác chính thức được thành lập vào ngày 25-8-1989. Ngôi nhà hình chữ U, hai bên là hai dãy phòng riêng biệt và là nơi ở của các em trai và các em gái, ở giữa là nơi sinh hoạt, học tập của các em. Sống ở đây, các em nhận được sự thương yêu, chăm sóc từ tấm lòng từ tâm của các tăng ni, phật tử và các “bảo mẫu” là những người tình nguyện đến đây để chăm sóc các cháu.

Chùa Diệu Giác có 30 sư cô. Trụ trì là Ni sư Thích nữ Bão Nguyệt. Người phụ trách Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi là Ni sư Thích nữ Huệ Trí (thế danh Văn Thị Thu Thủy), cũng là Phó Trụ trì chùa Diệu Giác.


Nhà Nuôi Dạy Trẻ Mồ Côi Chùa Diệu Giác hiện đang nuôi dạy 130 em mồ côi. Bé nhỏ nhất khoảng 5-6 tháng tuổi. Các em trong độ tuổi đi học đều được theo học ở các trường gần trong địa phương. Các em lớn thì theo lớp học nghề. Để có tiền nuôi nấng các em, nhà chùa có bán cơm chay. Ngoài ra, các sư cô còn làm hương (se nhang), may đồ tu... bán cho Phật tử. Chùa cũng được nhiều nhà hảo tâm chia sẻ giúp đỡ... Cuộc sống các em tương đối tạm ổn. Nguồn thu không đủ lắm chỉ sớt qua bù lại.

- Địa chỉ: 177 Trần Não, Phường Bình An, Quận 2, Sài Gòn - TP HCM, Việt Nam




14/2/11

Bố thí

Bố thí tức là sẵn lòng cho những gì chúng ta đang có để giúp đỡ người khác. Pháp tu này dùng để chống lại thói keo kiết và lười nhác. Keo kiết và lười nhác là hai thói quen xuất hiện khi có người đến xin chúng ta giúp đỡ. Có 3 loại bố thí:

1. Bố thí tiền của vật chất,
2. Cứu hộ người đang lâm vào cảnh khổ hay cảnh hiểm nguy,
3. Dùng Chánh pháp để khuyên nhủ hay hướng dẫn người khác.

Hầu như tất cả những người phàm phu ít nhiều đều có tánh keo kiết, chỉ lo bảo vệ của cải tài vật của mình; còn đối với việc bố thí để mang lại hạnh phúc cho người khác thì lại lơ là. Thông thường chúng ta có ý nghĩ cho rằng sau khi cho người khác một cái gì thì chúng ta phải chịu cảnh mất cái đó. Chúng ta chỉ cho ra một mức nào đó để không bị mang tiếng keo kiết, bủn xỉn; chúng ta chỉ bố thí để khỏi mất mặt mà thôi. Nói chung chúng ta giữ gìn lại cái gì tốt nhất cho bản thân và buông ra cho người khác phần thừa thải còn lại. Khi cho chúng ta lại kể lể rằng chúng ta đã phải thế này thế kia khiến cho người nhận cảm thấy phải hàm ơn và cần phải đền đáp.

Những hậu ý nhỏ mọn như vậy chỉ có tác dụng làm cho tâm thức chúng ta nặng nề, không tạo được những thiện nghiệp thanh thoát và cản trở những chứng đạt tâm linh. Tánh keo bẩn là một trạng thái vị kỷ của tâm thức cho rằng hạnh phúc của bản thân chúng ta quan trọng hơn hạnh phúc của người khác. Khi nào chúng ta có tính keo bẩn thì khi đó chúng ta khó đạt được cảm giác đầy đủ dù của cải tài vật của chúng ta có nhiều bao nhiêu đi nữa.

Khi nào tánh keo bẩn khiến chúng ta ngần ngừ trong việc bố thí, chúng ta cần phải nhớ rằng tài sản của chúng ta là vô thường và một ngày nào đó chúng ta sẽ phải rời bỏ chúng. Khư khư giữ chặt là một điều vô nghĩa. Chúng ta đem tài sản của mình để san sẻ với người khác có nghĩa là chúng ta chống lại tánh keo bẩn; nếu không tánh keo bẩn sẽ khiến chúng ta phải tái sinh vào kiếp sống đọa đày. Nếu chúng ta tự rèn luyện niềm vui trong việc bố thí thì tâm rộng rãi của chúng ta sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác và bản thân chúng ta.

Mặc khác, pháp bố thí không phải là một mặc cảm xấu hổ về tánh keo bẩn rồi tự khuyên lơn bản thân rằng "nên ban phát ra". Pháp bố thí là để rèn luyện một tâm hồn thật sự hân hoan khi làm cho người khác hạnh phúc. Tu tập pháp bố thí không có nghĩa là chúng ta cho tất cả những gì chúng ta có, để rồi bản thân chúng ta không còn gì cả và trở thành một gánh nặng cho những người xung quanh chúng ta. Ðúng nghĩa, pháp bố thí có nghĩa là cho ra tương ứng với điều kiện của chúng ta. Nhiều ít không phải là vấn đề, những ý nghĩ và cách cho mới là quan trọng.

Vấn đề then chốt là biết cho một cách sáng suốt. Cho người nghiện một cốc rượu không phải là một việc từ thiện; cung cấp tiền để mua sắm vũ khí, thuốc độc hay á phiện thì chẳng mang lại lợi lạc cho ai cả. Chúng ta không nên làm hại một số người để bố thí cho một số người khác. Như vậy, giết hại mạng súc vật để cung cấp cho gia quyến chúng ta một bữa ăn ngon miệng thì không phải là sáng suốt.


Việc làm tốt nhất là giúp đỡ những người bạc phước vô phần, những người tuyệt vọng, bệnh hoạn. Cũng vậy, hãy cúng dường cho những hành giả thật tâm tu hành theo Chánh pháp, cung cấp những nhu cầu cho cuộc sống hằng ngày để những vị này tiếp tục việc tu tập. Qua việc cúng dường Tam Bảo chúng ta ủng hộ những Phật sự, xây dựng các cơ sở tu học, ấn tống kinh sách và hộ niệm trong các cuộc lễ.

Loại bố thí thứ hai là việc bảo bọc, tức là giúp đỡ những người đang lâm nguy hay đang gặp cảnh khốn khổ. Pháp tu này bao gồm những việc như cứu một em bé sắp chết đuối, giúp đỡ người bệnh hoạn hay người già cả neo đơn không ai chăm sóc, phòng chống nạn hành hạ súc vật, xây sinh đường cho người bệnh an dưỡng trong giai đoạn cuối, lập quỹ chữa trị cho người bệnh AIDS hay ung thư. Khi có động đất, bão lụt hay những thiên tai khác chúng ta nên cứu giúp hết sức hết lòng.

Hướng dẫn và chỉ dạy cho người khác là loại bố thí thứ ba, gồm nhiều loại công việc khác nhau: Chúng ta có thể an ủi những người đang sầu não than khóc hay đang gặp cảnh khổ tâm bế tắc. Rất là lợi lạc là việc khích lệ một người đừng nói dối hay đừng lừa gạt mà hãy hành động và nói những lời có tính cách xây dựng. Như vậy, chúng ta chỉ bày cho người đó phương pháp để có được một tâm hồn thanh thản và kiến tạo hạnh phúc cho tương lai. Tụng niệm cho người bệnh hay người sắp mệnh chung được nghe lời kinh tiếng kệ ngõ hầu chuyển hóa tâm hồn theo hướng hiền thiện cũng là việc làm rất lợi lạc.

Bố thí thù thắng nhất lại là Chánh pháp tức là hướng dẫn người khác trên con đường đưa đến sự giác ngộ. Việc bố thí này tức là trao cho người ta pháp môn phương tiện để tự người ấy giải thoát bản thân ra khỏi mọi ràng buộc đau khổ và đạt đến bến bờ hạnh phúc lâu dài.

Nguồn: Tấm lòng rộng mở - Thupten Chodron