4/11/14

Gia Tài thật sự của chúng ta

Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta bắt đầu có sự hiểu biết, chúng ta có tín nhiệm, phần lớn có việc làm và mua sắm với tiền lương của mình. Chúng ta gọi đó là tài sản của chúng ta. Và trong một mức độ tương đối, đó là những gì mà ta có. Không nghi ngờ gì về việc này. Nếu tài sản thật sự là của ta thì ta không bao giờ bị xa rời chúng.

Nhưng nếu chúng bị vỡ hay mất, vậy thì làm sao ta có thể gọi đó là của sở hữu của chúng ta? Trong ý nghĩa tuyệt đối của nó, khi con người chết, chẳng có thể mang theo được gì. Mọi vật chúng ta có được, chúng ta tồn trữ, thu vét, đều phải để lại. Bởi thế, có thể nói rằng, tất cả chúng sanh đều không có quyền sở hữu. Vào lúc chết, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.

Của sở hữu chia làm ba loại:
  1. Bất động sản là những thứ ta không mang đi được như đất đai, nhà cửa, v.v... Theo tục đế, thì nó thuộc về bạn, nhưng bạn phải bỏ nó lại khi bạn chết.
  2. Loại tài sản thứ hai, là động sản, là những thứ ta có thể mang đi được như ghế bàn, áo quần, đồ dùng, v.v...
  3. Sau đó là kiến thức, mỹ thuật và khoa học, tài năng bạn dùng để duy trì cuộc sống và gia đình. Bao lâu chúng ta còn có một cơ thể lành mạnh thì tài sản, kiến thức rất cần thiết, tuy nhiên, không có một bảo đảm nào để tránh khỏi sự mất mát. Bạn có thể quên những điều bạn biết. Bạn có thể bị cấm đoán bởi chánh quyền, hay gặp những chuyện bất hạnh khác khiến bạn không thể sử dụng những hiểu biết của bạn. Chẳng hạn như bạn là một bác sĩ giải phẫu, nhưng chẳng may tay bạn bị gãy hoặc gặp những bất trắc khác khiến bạn bị loạn thần kinh nên bạn không thể tiếp tục nghề nghiệp của mình.
Không một loại tài sản nào trên đây có thể đem lại sự an toàn cho bạn ngay khi bạn còn đang sống trên mặt đất này nói chi đến đời sau.

Nếu bạn hiểu rằng mình chẳng làm chủ một thứ gì cả, và sự sống này chuyển biến không ngừng, thì bạn sẽ cảm thấy an lạc nhiều hơn khi mọi đổi thay xảy đến cho bạn.

Tuy nhiên, có một thứ mà bạn phải mang theo khi chết: đó là Nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động của chúng ta. Nghiệp tốt và nghiệp xấu theo ta không rời bước. Ta không thể nào xua đuổi nó được dù ta có muốn đi nữa.

Sự tin tưởng rằng nghiệp là gia tài của bạn, khiến bạn hăng say trong việc hành thiền. Bạn sẽ hiểu rằng những hành động thiện là căn bản, là vốn đầu tư hạnh phúc trong tương lai, và hành động bất thiện sẽ đem lại cho bạn nhiều đau buồn sau này. Ðược như thế, bạn sẽ làm nhiều việc thiện phát xuất từ lòng từ ái. Bạn sẽ giúp đỡ cho bệnh viện, cho những người đau khổ vì thiên tai; bạn hỗ trợ cho những người trong gia đình, các bà con thân quyến, lo cho người già, người tàn tật và cô đơn, bạn bè, và những người cần sự giúp đỡ.

Bạn muốn tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách giữ gìn giới luật trong sạch; có lời nói và việc làm hợp theo lẽ đạo. Bạn sẽ đem lại sự bình an cho mọi người xung quanh bằng cách hành thiền và chế ngự các phiền não đang dâng tràn trong tâm mình. Bạn sẽ tuần tự thành đạt các tuệ giác, và cuối cùng nhận chân được mục đích tối hậu. Tất cả các việc làm như bố thí, cúng dường, giữ gìn giới luật cũng như hành thiền đều sẽ theo bạn sau khi bạn chết như bóng với hình. Bởi thế, hãy cố gắng làm các việc lành.

Bạn hãy đọc câu chuyện về người đan rổ sau đây:

Có một người đan rổ bình dị, luôn luôn vui sống với công việc của mình. Anh ca hát, và huýt sáo suốt ngày trong khi ngồi đan rổ. Tối đến, anh trở về căn chòi lá bé nhỏ của mình và ngủ một giấc ngủ ngon lành. Ngày nọ, một nhà triệu phú đi ngang qua chỗ anh bán rổ. Thấy anh nghèo nàn, nhà triệu phú thương hại và tặng một ngàn đồng.

Anh đan rổ nhận tiền với lòng biết ơn. Anh ta chưa từng có đến một ngàn đồng trong đời. Anh cầm tiền và trở về căn chòi xiêu vẹo của mình. Anh phân vân không biết nên cất ở đâu. Căn lều này chẳng an toàn chút nào. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ vì sợ trộm, sợ chuột cắn nát tiền.

Sáng hôm sau, anh đem túi tiền ra chỗ mình ngồi đan và bán rổ, nhưng anh không hát và huýt sáo như thường lệ, vì anh lo lắng cho số tiền. Tối đó, anh lại mất ngủ nữa. Sáng hôm sau, anh đem tiền trả lại cho nhà triệu phú và nói: "Xin hãy trả lại hạnh phúc cho tôi".


Trích: "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy" - Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch.

1/11/14

Cho Đi và Nhận Lại


                Đôi khi bạn cảm thấy cuộc đời này thật bất công! Bạn đã cho đi quá nhiều mà không nhận lại được bao nhiêu...

                                      "Một hành động đơn giản tạo nên những cơn sóng bất tận"
                                                              Nguồn video: vnexpress.net

Vấn đề thực ra rất đơn giản. Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế, đó là những niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được.

Bạn thắc mắc rằng tại sao khi người khác buồn thì bạn luôn ở bên cạnh họ để xoa dịu vết thương lòng cho họ, rồi đến khi họ tìm lại được niềm vui họ sẽ lại quên bạn.

Còn bạn, khi bạn buồn ai sẽ là người lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của bạn đây?

Bạn ạ! Cuộc đời này là một vòng tròn. Thật ra không có sự bất công nào đối với bạn ở đây hết, có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến sớm hay muộn với bạn mà thôi và cái quan trọng là bạn có mở rộng lòng mình để nhận nó hay không!

Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau. Cho đi, nhận lại là hình thức luân phiên để trả nợ lẫn nhau.

Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn phải hiểu rằng cho đi không có nghĩa là có sự toan tính ở đây.

Bạn càng tính tóan thì bạn lại càng cảm thấy bị dồn nén, bạn cho đi mà tâm bạn không tịnh. Khi ấy bạn vừa phải cho mà vừa không được nhận niềm vui vô hình từ chính bản thân cái cho đi của bạn.

Tất cả mọi thứ chúng ta làm cho nhau đều có sự vay trả. Đôi khi là sự vay trả hữu hình và đôi khi cũng là một sự vay trả vô hình.

Mỗi người chúng ta quen biết nhau, yêu nhau, ghét nhau, căm thù nhau... âu cũng là cái duyên. Có duyên mới biết, mới quen, mới yêu, mới ghét!

Cái duyên ban đầu là do trời định nhưng để gắn bó lâu dài, muốn biến cái duyên ấy thành tình yêu thương thì là do chúng ta quyết định, nhờ vào cái cho đi của mỗi người.

Nhưng bạn nên nhớ, trong tình yêu không có sự trông mong được nhận lại, bởi tình yêu luôn luôn là một thứ điều luật không công bằng của trái tim, không có định nghĩa cũng chẳng có lý lẽ.

Có hay chăng một la` bạn nhận được hạnh phúc. Không thì bạn nhận được sự chán chường, đau khổ!

Tất cả đều trong một vòng tròn luẩn quẩn.

Nhưng dù biết đôi khi cuộc sống không được như ý muốn của ta, bạn hãy cứ cho đi. Cho đi là bạn đã tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Bạn đã hòa vào dòng chảy của cuộc sống, của đời người.

Đời người như dòng sông, như cuộc sống hoà tan với thời gian, luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới, mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thế.

Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.

Sẽ không bao giờ có cái chết vì nơi tận cùng cũng là khởi thủy cho những mầm sống mới ...

Sưu tầm