8/5/16

Truyện ngụ ngôn "Bốn con rắn"

1. Tích chuyện

Một ông Vua kia có nuôi bốn con rắn độc. Con thứ nhất tên "Rắn mỏ cây" (Kattha mukha) vì có cái mỏ cứng như cây, mổ đau lại có nọc độc. Rắn thứ nhì tên "Rắn mỏ thúi" (Puti Mukha) vì mỗi lần cắn ai thì thân thể người ấy sình thúi và tan rã ra nước. Thứ ba là "Rắn mỏ lửa" vì ai bị rắn này cắn thì nghe trong mình nóng như bị lửa thiếu đốt đến chết. Thứ tư là "Rắn mỏ khí giới" (Sattha Mukha) vì có răng thật bén, mỗi lần cắn ai thì cũng như dùng khí giới gây tử thương người đó. Vua giao phó việc chăm nom bốn con rắn ấy cho một ông quan cận thần. Khi nào có ai phạm trọng tội thì bị cho rắn cắn. Lúc có chiến tranh thì Vua thả rắn ra diệt trừ quân địch.

Hôm nọ có một tên trộm đáng bị tử tội. Vua truyền đem tội nhân cho rắn cắn. Ông quan dẫn tên tử tội đến chuồng rắn và mở nắp ra. Một trong bốn con rắn bò ra, quấn tay mặt tội nhân và gác đầu bên vai trái. Con thứ nhì quấn mình quanh tay trái và gác đầu lên vai mặt. Con thứ ba quấn ngang bụng. Con thứ tư quấn cổ và gác mỏ lên đầu tên trộm. Bị rắn quấn đầy mình mà anh không tỏ vẻ lo sợ chút nào. Vừa lúc ấy có một vị hiền nhân giàu lòng bác ái đi ngang qua thấy vậy hỏi:

- Anh không sợ chết hay sao?

Anh vừa chỉ rắn vừa đáp:

- Ðây là các vật trang sức của tôi. Tay tôi đeo neo, bụng thắt dây lưng, cổ có kiềng và dây chuyền, đầu lại đội mão.

- Không phải đâu, đó chỉ là bốn con rắn độc.

- Tôi có thấy đâu là rắn độc. Nó có vẻ hiền lành lắm và đeo trên mình tôi thế này là đẹp lắm đấy chớ!

- Bạn nên suy nghĩ lại kỹ càng và hãy bắt đầu lo từ bây giờ. Không nên lãng quên. Một ngày kia một con rắn sẽ bảo bạn đứng dậy nếu không thì nó không chịu. Nếu bạn làm theo thì ba con rắn kia bất bình. Rồi con thứ nhì sẽ bảo bạn đi tới. Rồi con thứ ba bảo bạn nằm, con thứ tư bảo bạn ngồi. Bạn không thể nào thoát khỏi ách nô lệ của chúng nó và bạn luôn luôn bị tai họa.

- Vậy bây giờ tôi phải làm thế nào?

- Bạn hãy lén lén bỏ rắn vào chuồng và mau chạy thoát ra khỏi chốn này.


Tên tội nhân làm y theo lời dạy.

Khi ông quan hay được thì vào triều tâu lại tự sự cho Vua. Vua truyền thả rắn ra rượt theo. Bốn con rắn cố sức chạy theo tên tội. Cùng một lúc ấy vua truyền năm tên binh sĩ theo phụ sức với rắn bắt cho được tên trộm, nếu thành công sẽ được trọng thưởng.

Vua cũng truyền gọi một người bạn chí thân của tội nhân đến dạy phải rượt bắt. Nếu bắt được tội nhân, vua sẽ phong cho làm đại tướng.

Nói về tên trộm, khi thoát ra khỏi chỗ nguy hiểm thì có ý dễ duôi hưởn đãi. Vị hiền nhân xuất hiện và nhắc nhở anh rằng tuy đại nạn vừa thoát khỏi nhưng anh chưa được châu toàn đâu. Hãy cố gắng, cố gắng tìm phương thoát nạn.

Anh vâng lời ráng sức chạy. Ðược một đỗi thì đến một làng nọ. Bụng đói, sức đuối, anh chạy riết vào làng tìm thức ăn và chỗ nghỉ nhưng đó chỉ là một làng bỏ hoang. Trong làng có sáu cái nhà mà nhà nào cũng vắng tanh. Chén dĩa nồi niêu đều trống không. Anh đâm ra chán nản, tìm một gốc cây dựa lưng vào nghỉ.

Vị hiền nhân lại xuất hiện và khuyên anh chớ nên trì hưỡn vì có thêm sáu tướng cướp đang chạy vào làng cùng bắt anh. Anh hoảng sợ bỏ chạy nữa. Một lúc sau anh đến trước một con sông rộng lớn. Từ bờ bên này qua bờ bên kia xa xa có một cù lao, có tất cả ba cù lao. Trong lòng sông, bốn giòng nước lũ gặp nhau xoay tròn thành một cái xoay rộng lớn. Bên kia bờ cỏ cây có vẻ yên tĩnh, nhàn lạc và an toàn. Còn bờ bên này thì chông gai đầy dẫy, phía sau lại có bốn con rắn, năm tên lính, người bạn thân trở mặt và sáu tên cướp đang rượt theo.

Nhưng làm sao qua sông? Không có cầu. Thuyền cũng không. Anh liền tìm cây và dây trong rừng kết lại làm một chiếc bè và hết sức cố gắng dùng cả tay lẫn chân bơi cho bè mau tách xa bờ. Khi đến cù lao thứ nhất anh ngoảnh nhìn lại phía sau thì thấy rắn, lính, người bạn và tướng cướp tất cả đều đến ven sông. Nhìn ra phía trước thấy còn hai cù lao và bờ bên kia. Anh lại nỗ lực bơi riết qua cù lao thứ nhì, thứ ba và rốt cùng đặt chân lên bờ bên kia, trên giải đất an lành tươi đẹp. Anh nghe trong người khoan khoái nhẹ nhàng, sẵn sàng bỏ lại sau lưng chiếc bè và bao nhiêu gian lao nguy khổn.

Bốn con rắn, năm tên lính, người bạn thân và sáu tên cướp biết rằng không thể nào bắt được tên tội nên buồn rầu. kẻ trước người sau, tất cả đều chết.

2. PHẦN CHÚ GIẢI

Trong chuyện ngụ ngôn kể trên:

  • ông vua tượng trưng cho Nghiệp.
  • tên trộm là chúng sanh (1).
  • bốn con rắn tượng trưng bốn yếu tố tứ đại) cấu thành phần vật chất của con người.
  • năm tên lính là ngũ uẩn.
  • người bạn thân trở mặt làm thù là cái gọi là "bản ngã" của con người (2).
  • sáu cái nhà bỏ không là lục căn (3).
  • sáu tên cướp lùng bắt tên trộm là lục trần (4).

Trong chuyện ngụ ngôn kể trên, bốn con rắn là bốn nguyên tố cấu thành vật chất, ám chỉ tấm thân tứ đại của chúng ta. Thể xác này ví như rắn độc vì nếu ta lơ đỉnh, không kiểm soát được nhục dục thì chính thân này là mối nguy cơ vô cùng tai hại vậy. Trái lại, nếu ta thận trọng xem xác thân này như những con rắn độc thì ta sẽ không bám bíu vào nó, không chú trọng đến nó, tức nhiên ta sẽ không thèm thuồng, ước mong được có một thân hình đẹp đẽ hơn, cũng không thất vọng nếu ta không có sắc đẹp. Ta sẽ không phung phí thì giờ quý báu và ít ỏi của ta để sửa soạn, chăm nom, săn sóc thể xác và luôn luôn cung phụng đầy đủ để thỏa mãn những sự đòi hỏi của nó. Hiểu như vậy ta sẽ hết sức cố gắng tránh xa những điều kiện nào khả dĩ tạo cho ta những con "rắn độc mới".

Rắn, lính, bạn, tướng cướp tất cả điều đó là những pháp làm cho chúng sanh phải đắm đuối trong vòng luân hồi. Sự tham dục, sự luyến ái theo đời sống, tà kiến và vô minh là bốn giòng nước lũ. Chiếc bè là Bát Chánh Ðạo, và ba cù lao là ba đạo quả thánh Tu Ðà Hườn, Tư Ðà Hàm và A Na Hàm. Khi đắc đạo quả thứ tư - A la Hán - là bước chân lên bờ bên kia, bờ giải thoát của Niết Bàn vậy.

NÀRADA MAHÀ THERA

(1) cái được gọi là chúng sanh là sự phối hợp của hai yếu tố, danh và sắc. Nói một cách khác trong con người có hai phần: Phần vật chất hữu hình, biểu hiện ra ngoài bằng hình thể mà ngũ quan có thể nhận thức được và Phần tinh thần, vô hình, nằm bên trong. Và Nghiệp là nguyên do.

(2) Ðức Phật dạy rằng phân tách đến mức cùng tột thì không thể có một bản ngã trường tồn bất biến. Mọi yếu tố cấu thành con người đều ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi. "Không có người làm mà chỉ có việc làm". Không có người thấy mà chỉ có sự thấy. Tóm tắt con người chỉ là sự phối hợp của năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong con người không có cái chi có thể gọi là một bản ngã vững bền tồn tại, không biến đổi.

(3) Lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nên hiểu rằng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, v.v... ở đây không có nghĩa là con mắt hay lỗ mũi bằng da bằng thịt v.v... Nhãn đây là nhãn căn nhãn quan, phần nhạy trong con mắt, cái khả năng thấy trong con mắt. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng thế. Ý ở đây có nghĩa là nơi xuất phát ra tư tưởng.

(4) Lục trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

Sắc (Rùpa) là đối tượng của sự thấy, vật thấy, cái gì có hình thể mà mắt nhận thấy được. Nói một cách khác, sắc là nơi nương tựa, phạm vi, khu vực có màu, là hiện thân của màu sắc.

Thinh (Sadda), âm thanh, hay là tiếng động, phát sanh do sự cọ sát của yếu tố đất trong vật chất.

Hương (Gandha) và Vị (Rasa) phát sanh do cả bốn yếu tố của vật chất (Tứ Ðại).

Xúc (Phottobbàrammana) là vật có thể sờ đụng được (tangible), là đối tượng của thân căn. Nên ghi nhận rằng xúc (phottabbàrammana) không phải chỉ là sự đụng chạm (contact). Trong vật chất, ba yếu tố Ðất, Lửa, Gió có thể sờ đụng được. Ngũ quan không thâu nhận được nguyên tố Nước.

Pháp (Dhammàrammana) là tất cả những đối tượng của tâm. Pháp (Dhamma) có thể là những hiện tượng vật chất hay tinh thần.


http://www.budsas.org/uni/u-ngan/bonran.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét