Ý là kẻ lý giải về hoàn cảnh của chúng ta
Chính cách lý giải của chúng ta về một sự kiện nào đó sẽ quyết định chúng ta sẽ tiếp nhận sự kiện đó như thế nào. Mặc dù thường thường chúng ta đều cho rằng chúng ta đã thấy rõ ràng chính xác là như vậy nhưng những cảm nhận của chúng ta thực sự đã bị lược qua màn lý giải của tâm ý và đã bị nhuốm màu theo cách phóng ảnh của tâm ý chúng ta.
Thí dụ khi hai người gặp ông Trần, một người thích ông và người kia thì không thích. Người này nhận xét ông Trần là có ý tứ, thông minh và có óc hài hước. Người kia thì cho rằng ông Trần là một người hay cợt nhả người khác, có đầu óc cạnh tranh và không màng đến cảm xúc của người khác. Cả hai đều nghĩ rằng họ đã thấy đúng về ông Trần là như vậy. Nếu thấy đúng, thì cả hai phải thấy ông Trần như nhau. Rõ ràng là họ nghĩ về ông Trần với những quan điểm khác nhau.
Cả hai người đều nghe những lời của ông Trần nói nhưng mỗi người lại lý giải nội dung lời nói một cách khác đi. Tâm ý của mỗi người phóng nhanh qua một quá trình từ nhận thức (âm thanh hay biểu hiện mà mỗi người nhận được qua các giác quan) đến kết luận (ý nghĩa của những dữ liệu đã được xử lý).
Như vậy, một người cảm nhận rằng những cách đùa của ông Trần là hóm hỉnh và có ý tốt nên nghĩ: "Ông Trần là một người tốt. Tôi thích thân cận với ông ta". Về sau lúc nào anh này cũng xem ông Trần là bạn và tin rằng sẽ vui vẻ với nhau. Chị kia thì lý giải cách khác cho rằng lời nói đùa của ông Trần là biếm nhẻ nên nghĩ: "Ông Trần là kẻ tự thị, tôi không thích ông ta." Về sau lúc nào chị kia cũng xem ông Trần là kẻ không đáng ưa và có tâm trạng khinh ghét.
Cả hai đều tưởng rằng điều họ nghĩ về ông Trần là đúng. Nhưng thật ra nhận thức của hai người về về ông ấy đều đã được tiến hành thông qua bức màn của tâm ý hay của những quan niệm có trước. Những phẩm chất tốt hay xấu, đáng mến hay đáng ghét của ông Trần đều được tạo nên bởi những phóng ảnh của ông Trần hiện ra trong tâm ý của người gặp ông. Tự thân ông Trần không có và không thuộc về những phẩm tính đó.
Cách mà chúng ta lý giải về một tình cảnh sẽ quyết định cảm nhận của chúng ta về tình cảnh đó. Chúng ta có thể nhìn người mẹ của chúng ta và nghĩ rằng: "Mẹ lúc nào cũng bảo chúng ta việc này việc kia. Mẹ có nhiều yêu cầu quá." Sau đó, mỗi lần gặp bà chúng ta không cảm thấy thoải mái.
Ngược lại, chúng ta có thể suy nghĩ: "Mẹ đã sanh thân chúng ta ra. Mẹ đã săn sóc cho chúng ta suốt thời còn trong nôi, lúc mà chúng ta hoàn toàn không có thể tự mình làm được gì cả ngay cả việc ăn uống của bản thân. Mẹ đã dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải." Như vậy người mẹ là hiện thân của một trái tim thương yêu. Mỗi lần gặp là mẹ luôn tỏa rạng tình thương và chúng ta cảm thấy thương mẹ.
Vì chúng ta lý giải một số hành vi của những người khác là tổn hại nên chúng ta dán nhãn "kẻ đối nghịch" cho họ. Từ đó về sau trong đôi mắt của chúng ta họ là những kẻ đối nghịch. Cũng vậy, vì chúng ta dán nhãn "tử tế" cho một số hành vi của người khác và xem họ là những người bạn nên từ đó về sau trong đôi mắt của chúng ta những người đó là bằng hữu. Bằng hữu hay kẻ đối nghịch thật sự phát xuất từ tâm ý của chúng ta. Chính chúng ta tạo ra. Sau khi tạo ra bằng hữu và kẻ đối nghịch bằng sức mạnh của tâm ý, chúng ta luyến ái bạn và cố gắng làm hại kẻ đối nghịch. Thật ra chúng ta đã luyến ái và thù ghét những cái mà chính tâm ý chúng ta đã tạo ra.
Chúng ta lý giải về hoàn cảnh và những con người liên quan đến chúng ta như thế nào là tùy vào mức độ thanh tịnh của tâm ý chúng ta. Giống như một sự vật phản chiếu trên một tấm gương dơ bẩn thì bức ảnh đó u ám và không khả ái, cũng như vậy khi bị phóng ảnh qua một tâm ý ô nhiễm với những trạng thái nhiễu loạn và những dấu ấn nghiệp lực đen tối thì hình ảnh của một sự vật cũng u ám và không khả ái. Nhưng nếu như sự vật đó được phản chiếu qua một tấm gương không tì vết thì hình ảnh thu nhận sẽ trong sạch và xinh đẹp. Giống như vậy, qua cảm nhận của một tâm ý thanh tịnh thì bất cứ sự vật gì cũng dễ thương cả.
Một số người mắc bệnh tâm lý nên cứ ngỡ rằng những người xung quanh đang rắp tâm hại họ. Bị khủng hoảng vì sợ hãi, họ còn thấy có những hình ma bóng quế mà thật ra không có gì cả. Mặc dầu họ cứ tin tưởng rằng những gì họ thấy là đúng nhưng chúng ta không thấy như vậy. Do những hành động khác nhau trong quá khứ và chức năng hoạt động của trạng thái tâm lý nhiễu loạn hiện tại mà có sự khác nhau như thế.
Ðối với một người đã tiến xa trên con đường giác ngộ thì thế gian này là thanh tịnh. Ðối với một người mà tâm hồn chứa đầy sự sân hận thì thế gian tồi tệ này là cảnh địa ngục. Thế gian này tự nó không phải là đầy niềm vui hay đầy nỗi khổ và cảm nhận của chúng ta về nó tùy thuộc vào hành vi mà chúng ta đã làm trong quá khứ và tùy thuộc vào cách mà chúng ta cảm nhận nó trong hiện tại. Cảnh địa ngục và cảnh thanh tịnh là do tâm thức của chúng ta tạo tác. Tâm thức của chúng ta là đầu nguồn, là kẻ tạo dựng ra những cảm nhận của chúng ta.
Biết như vậy chúng ta luôn nhận thức rằng phương pháp duy nhất để đạt được một trạng thái hạnh phúc hoàn hảo và lâu bền là làm cho tâm ý của chúng ta thanh tịnh, tức là không còn những trạng thái tâm lý nhiễu loạn, những dấu ấn và những nhơ uế do nghiệp cũ của chúng ta để lại. Chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện việc này và chúng ta có thể thực hiện được. Một đoạn thi ca Phật giáo hiện đại dựa trên kinh Pháp Cú đã viết như sau:
Do chúng ta làm nên điều quấy,
Do chúng ta làm nên nỗi đau.
Do chúng ta dừng tay tội lỗi
Do chúng ta thanh tịnh nhiệm mầu
Không người nào cứu rỗi được ta
Không ai có thể, không ai đâu.
Ðức Phật chỉ chỉ đường dẫn lối
Còn chúng ta phải bước chân mau.
Chư Phật chỉ cho chúng ta con đường cần phải đi. Chư Phật biết con đường vì chính các ngài đã đi qua con đường đó. Những vị hiện giờ là chư Phật trước kia cũng đã từng bị rối ren mù mờ và khó khăn như chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đi theo con đường này mà chư vị đã làm thanh tịnh được tâm ý và phát triển đến chỗ viên mãn những phẩm chất cao thượng nhất của con người và trở thành những vị Chánh Ðẳng Giác. Chúng ta cũng có thể làm y như vậy.
Chư Phật hướng dẫn chúng ta, chúng ta phải làm theo sự hướng dẫn đó. Thầy giáo có thể dạy chúng ta nhưng thầy giáo không thể học dùm cho chúng ta; cũng vậy, chư Phật có thể hướng dẫn chúng ta phương cách thực hành nhưng chính chúng ta phải là người thực hành. Một bài kinh nói rằng:
Ðể rửa trôi đi những nặng nề ác trược
Chư Phật đâu thể "sái tịnh" bằng giọt nước;
Ðể tẩy trừ niềm đau và nỗi khổ
Chư Phật đâu thể dùng bàn tay ấn quyết;
Chư Phật cũng đâu thể nào "chuyển khoản"
Sự giác ngộ sang "tài khoản" của chúng sinh.
Ðể độ thoát vạn loại hàm linh.
Chư Phật chỉ truyền dạy con đường như thật.
Trong khi đạo Phật nhấn mạnh trách nhiệm mà mỗi cá nhân phải tự làm, điều đó không có nghĩa là chúng ta đơn thân độc hành trên con đường đạo. Chúng ta có thể nương tựa vào sự hướng dẫn và phấn khởi với Ngôi Tam Bảo: chư Phật, Giáo Pháp và Tăng-già.
Chư Phật là những vị đã thanh lọc hoàn toàn tất cả sân hận, tham nhiễm, u mê và vị kỷ ra khỏi tâm thức; đã phát triển viên mãn tất cả những phẩm tính tốt đẹp như tâm từ bình đẳng, lòng bi thương xót và trí tuệ soi sáng.
Giáo pháp hay giáo lý là những miêu tả về thực tại như thật cùng với những trạng thái và trường hợp chấm dứt tình trạng rối khổ do vô minh gây nên. Theo nghĩa phổ thông thì giáo pháp là những lời dạy của Ðức Phật dẫn dắt chúng ta nhận chân ra thực tại như thật.
Tăng-già là nói đến những vị đã nhận ra được thực tại vô ngã, cái thực tại mà trong đó không có một cái ngã tự nó tồn tại một cách độc lập. Những vị đã tiến xa trên con đường giải thoát và giác ngộ này có thể là tăng ni mà cũng có thể là cư sĩ tại gia. Nhưng theo nghĩa phổ thông thì tăng-già là đoàn thể của các vị tăng ni, những người đã dành hết cuộc đời của mình cho việc tu tập bản thân và làm lợi lạc cho người khác.
Theo sách THUẦN HÓA TÂM HỒN (Thupten Chodron - Nguyên tác: Taming the Monkey Mind)
url: http://thuvienhoasen.org/a10312/thuan-hoa-tam-hon
5/9/16
Thuần hóa tâm hồn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét