2/10/16

Chánh ngữ

Một trong năm giới mà người Phật tử chân chính phải hành trì là tránh xa vọng ngữ. Tích cực hơn, người Phật tử phải nói lời chân thật, biết thủ tín và nói như thế nào làm như thế ấy.

Lời nói chân thật là một trong thập thiện nghiệp mà người hành trì không những đem lại lợi ích cho mình mà còn góp phần xây dựng một xã hội đạo đức. Vì muốn được trật tự, xã hội cần đòi hỏi một số điều kiện trong đó có sự tín nhiệm lẫn nhau nhờ mọi người đều chân thật.

Đoạn kinh sau đây mô tả một người chân thật:

"Ở đây một người thiện nam từ bỏ sự giả dối, xa lánh vọng ngữ, nói lời chân thật dù ở nơi hội họp đứng đắn, giữa đám đông, trong tư gia với bà con thân thuộc, trong nhiệm sở hay khi làm nhân chứng tại pháp đình.... Như vậy, người ấy sẽ không vì cá nhân mình, không vì ai khác, cũng không vì một lợi lạc vật chất mà cố ý nói sai sự thật". (Sāleyyaka Sutta M.I, 228).

Thật ra chánh ngữ không phải chỉ giới hạn trong lời nói chân thật mà còn cần phải:

- Tránh dùng lời phao vu để chia rẽ, hay gây bất hoà giữa người này với người khác, trái lại phải tìm cách đem lại hoà hợp và thông cảm giữa mọi người.

- Tránh dùng lời thô lỗ để hạ nhục kẻ khác, trái lại phải nói lời thanh tao, hoà nhã, lịch sự, lễ độ để an ủi, khuyến khích hay thuyết phục kẻ khác.

- Tránh những câu chuyện phiếm vô bổ, phải nói đúng lúc, hợp lý và hữu ích.

Cũng có trường hợp, khi chúng ta nói chân thật và lễ độ mà vẫn chạm đến tự ái của kẻ khác khiến họ phật lòng. Tuy thế đôi khi cần phải nói sự thật dù có mất lòng nhưng hữu ích. Như vị bác sĩ muốn chữa một vết thương của bệnh nhân đôi khi không thể không gây cho bệnh nhân một chút đau đớn, vì nếu không đụng đến vết thương thì làm sao điều trị được. Vì thế trong kinh Abhayarājakumāra có phân loại lời nói theo chân, thiện và mỹ như sau:
  1. LỜI NÓI CHÂN, MỸ, THIỆN.

    Tức là lời chân thật, khả ái và có lợi cho người nghe. Chữ mỹ ở đây dùng với nghĩa đẹp lòng người, làm cho người hoan hỷ khi nghe. Như trường hợp Đức Phật thuyết pháp, Ngài trình bày chân lý (chân) để chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh (thiện) và khi nghe xong thính chúng đều hoan hỷ (mỹ) chấp nhận.

  2. LỜI NÓI CHÂN, THIỆN, KHÔNG MỸ.

    Tức là lời chân thật, có lợi cho người nghe nhưng không làm cho họ vui lòng. Đó là trường hợp "trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hạnh". Lời nói không mỹ ở đây có hai nghĩa: một là lời nói thô lỗ, hai là tuy không thô lỗ nhưng làm cho người nghe khó chịu. Có khi vì lời nói cộc cằn làm cho người nghe nổi giận, nhưng có khi lời nói lễ độ mà vẫn chạm tự ái kẻ khác.

  3. LỜI NÓI CHÂN, MỸ, KHÔNG THIỆN.

    Tức là lời nói chân thật, đẹp lòng người nhưng vô ích. Như kể một chuyện tuy thật và làm cho người nghe vui tai nhưng không đem lại lợi ích gì cả, có khi chỉ làm mất thì giờ hoặc thậm chí còn có hại.

  4. LỜI NÓI CHÂN, KHÔNG THIỆN, KHÔNG MỸ.

    Tức là lời nói chân thật nhưng vô ích và làm người nghe bực mình. Nhiều người bất cứ nghe thấy chuyện thị phi ở đâu cũng đem kể lại cho bạn bè, thân thuộc nghe. Hoặc có người lại thường đem những chuyện đời tư nói với người khác để khoe khoang thành công hay phân bua thất bại của mình. Những chuyện đó tuy là sự thật, nhưng không ích gì cho người nghe, và chỉ làm phiền lòng họ.

  5. LỜI NÓI KHÔNG CHÂN, NHƯNG THIỆN VÀ MỸ.

    Tức là lời không đúng sự thật nhưng có ích lợi và làm người nghe hoan hỷ. Như trường hợp vì cứu người nào đó (thiện) mà phải nói dối (không chân) và nhờ nói khéo léo nên người nghe vui lòng (mỹ).

  6. LỜI NÓI KHÔNG CHÂN, KHÔNG THIỆN NHƯNG MỸ.

    Tức là lời nói giả dối, vô ích nhưng người nghe lại thích. Nhiều người nói ba hoa, khoác lác vô tích sự, thế mà vì có tài ăn nói khéo léo, thông suốt nên ai cũng thích nghe.

  7. LỜI NÓI KHÔNG CHÂN, KHÔNG MỸ NHƯNG THIỆN.

    Tức là lời nói dối, khó chịu, nhưng có lợi cho người nghe. Ví dụ như một người mẹ muốn cho con mình học giỏi (thiện) đã la mắng (không mỹ) và dọa đứa bé nếu không học thuộc bài sẽ bị đuổi ra khỏi nhà (không chân).

  8. LỜI NÓI KHÔNG CHÂN, KHÔNG THIỆN, KHÔNG MỸ.

    Là lời nói giả dối, vô ích và làm người nghe bực tức. Như trường hợp nói vu khống, nhục mạ, hoặc nói thêu dệt để chia rẽ người khác. Đó là lời nói của người dối trá, hung ác, và thô lổ.
Trong tám cách trên, cách thứ nhất và cách thứ hai được Đức Phật cũng như các bậc hiền nhân khuyến khích. Kinh Abhayaràjakumàra dạy tiếp rằng: "Người nên nói lời hợp thời mà người biết là đúng với sự thật, xác đáng, hữu ích, có thể chấp nhận được và làm cho kẻ khác hoan hỷ (loại thứ nhất). Người cũng có thể nói lời hợp thời mà người biết là đúng với sự thật, xác đáng, hữu ích, có thể chấp nhận đuợc tuy không làm cho kẻ khác hoan hỷ (loại thứ hai). Người không nên nói lời giả dối, và cần phải tìm sự thật, nói sự thật vì hành động đó nâng cao hạnh phúc cá nhân của người cũng như sự điều hoà và tiến bộ xã hội". Trong đoạn kinh khác Đức Phật mô tả lời nói của bậc thiện trí với năm điều kiện:
  1. Phát biểu đúng lúc (Kālavādī):

    Như chúng ta đã thấy ở trên, có khi một lời chân thật nhưng không được phát biểu đúng lúc thì thành ra vô ích hoặc làm cho người khác bực mình. Người thiện trí phải tế nhị để áp dụng lời nói của mình đúng chỗ, đúng lúc.

  2. Hợp với sự thật (Bhūtavadī):

    Bậc thiện trí thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối. Tuy vậy nói sự thật chưa đủ, cần phải có điều kiện sau đây bổ túc:

  3. Đem lại lợi ích (Atthavādī):

    Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó, dù là lời nói chân thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì đó cũng là lời nói nhảm nhí, vô dụng.

  4. Thích ứng với đạo lý (Dhammavādi):

    Dhamma ở đây có nghĩa là đạo lý. Lời nói hợp đạo lý có nghĩa là phải hợp lý, hợp tình và hợp với chánh pháp.

  5. Hợp với đạo đức (Vinayavādi):

    Giá trị của lời nói còn phụ thuộc tính cách đạo đức của nó. Nếu một lời nói có đủ bốn yếu tố trên nhưng không hợp với luật pháp hay luân thường đạo lý thì vẫn nguy hiểm. Trong phần phân tích tám lời nói trên, chúng ta dùng chữ thiện với nghĩa hữu ích. Nhưng đôi khi có lợi ích chưa hẳn là thiện, như khi nói trục lợi, vụ lợi người ta thường dùng với nghĩa bất thiện. Vì vậy lời nói thiện phải vừa có ích vừa lương thiện, nghĩa là phải hợp với đạo đức nữa mới được.
Tóm lại, lời nói có ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội. Lời nói của một nhân vật có uy tín bao nhiêu lại càng phải thận trọng bấy nhiêu. Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa chánh ngữ vào Bát Chánh Đạo, con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ.

Trích Con đường hạnh phúc - Viên Minh & Trần Minh Tài
http://www.tuvienquangduc.com.au/coban/20cdhp17.html

5/9/16

Thuần hóa tâm hồn

Ý là kẻ lý giải về hoàn cảnh của chúng ta

Chính cách lý giải của chúng ta về một sự kiện nào đó sẽ quyết định chúng ta sẽ tiếp nhận sự kiện đó như thế nào. Mặc dù thường thường chúng ta đều cho rằng chúng ta đã thấy rõ ràng chính xác là như vậy nhưng những cảm nhận của chúng ta thực sự đã bị lược qua màn lý giải của tâm ý và đã bị nhuốm màu theo cách phóng ảnh của tâm ý chúng ta.

Thí dụ khi hai người gặp ông Trần, một người thích ông và người kia thì không thích. Người này nhận xét ông Trần là có ý tứ, thông minh và có óc hài hước. Người kia thì cho rằng ông Trần là một người hay cợt nhả người khác, có đầu óc cạnh tranh và không màng đến cảm xúc của người khác. Cả hai đều nghĩ rằng họ đã thấy đúng về ông Trần là như vậy. Nếu thấy đúng, thì cả hai phải thấy ông Trần như nhau. Rõ ràng là họ nghĩ về ông Trần với những quan điểm khác nhau.

Cả hai người đều nghe những lời của ông Trần nói nhưng mỗi người lại lý giải nội dung lời nói một cách khác đi. Tâm ý của mỗi người phóng nhanh qua một quá trình từ nhận thức (âm thanh hay biểu hiện mà mỗi người nhận được qua các giác quan) đến kết luận (ý nghĩa của những dữ liệu đã được xử lý).

Như vậy, một người cảm nhận rằng những cách đùa của ông Trần là hóm hỉnh và có ý tốt nên nghĩ: "Ông Trần là một người tốt. Tôi thích thân cận với ông ta". Về sau lúc nào anh này cũng xem ông Trần là bạn và tin rằng sẽ vui vẻ với nhau. Chị kia thì lý giải cách khác cho rằng lời nói đùa của ông Trần là biếm nhẻ nên nghĩ: "Ông Trần là kẻ tự thị, tôi không thích ông ta." Về sau lúc nào chị kia cũng xem ông Trần là kẻ không đáng ưa và có tâm trạng khinh ghét.

Cả hai đều tưởng rằng điều họ nghĩ về ông Trần là đúng. Nhưng thật ra nhận thức của hai người về về ông ấy đều đã được tiến hành thông qua bức màn của tâm ý hay của những quan niệm có trước. Những phẩm chất tốt hay xấu, đáng mến hay đáng ghét của ông Trần đều được tạo nên bởi những phóng ảnh của ông Trần hiện ra trong tâm ý của người gặp ông. Tự thân ông Trần không có và không thuộc về những phẩm tính đó.

Cách mà chúng ta lý giải về một tình cảnh sẽ quyết định cảm nhận của chúng ta về tình cảnh đó. Chúng ta có thể nhìn người mẹ của chúng ta và nghĩ rằng: "Mẹ lúc nào cũng bảo chúng ta việc này việc kia. Mẹ có nhiều yêu cầu quá." Sau đó, mỗi lần gặp bà chúng ta không cảm thấy thoải mái.

Ngược lại, chúng ta có thể suy nghĩ: "Mẹ đã sanh thân chúng ta ra. Mẹ đã săn sóc cho chúng ta suốt thời còn trong nôi, lúc mà chúng ta hoàn toàn không có thể tự mình làm được gì cả ngay cả việc ăn uống của bản thân. Mẹ đã dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải." Như vậy người mẹ là hiện thân của một trái tim thương yêu. Mỗi lần gặp là mẹ luôn tỏa rạng tình thương và chúng ta cảm thấy thương mẹ.

Vì chúng ta lý giải một số hành vi của những người khác là tổn hại nên chúng ta dán nhãn "kẻ đối nghịch" cho họ. Từ đó về sau trong đôi mắt của chúng ta họ là những kẻ đối nghịch. Cũng vậy, vì chúng ta dán nhãn "tử tế" cho một số hành vi của người khác và xem họ là những người bạn nên từ đó về sau trong đôi mắt của chúng ta những người đó là bằng hữu. Bằng hữu hay kẻ đối nghịch thật sự phát xuất từ tâm ý của chúng ta. Chính chúng ta tạo ra. Sau khi tạo ra bằng hữu và kẻ đối nghịch bằng sức mạnh của tâm ý, chúng ta luyến ái bạn và cố gắng làm hại kẻ đối nghịch. Thật ra chúng ta đã luyến ái và thù ghét những cái mà chính tâm ý chúng ta đã tạo ra.

Chúng ta lý giải về hoàn cảnh và những con người liên quan đến chúng ta như thế nào là tùy vào mức độ thanh tịnh của tâm ý chúng ta. Giống như một sự vật phản chiếu trên một tấm gương dơ bẩn thì bức ảnh đó u ám và không khả ái, cũng như vậy khi bị phóng ảnh qua một tâm ý ô nhiễm với những trạng thái nhiễu loạn và những dấu ấn nghiệp lực đen tối thì hình ảnh của một sự vật cũng u ám và không khả ái. Nhưng nếu như sự vật đó được phản chiếu qua một tấm gương không tì vết thì hình ảnh thu nhận sẽ trong sạch và xinh đẹp. Giống như vậy, qua cảm nhận của một tâm ý thanh tịnh thì bất cứ sự vật gì cũng dễ thương cả.

Một số người mắc bệnh tâm lý nên cứ ngỡ rằng những người xung quanh đang rắp tâm hại họ. Bị khủng hoảng vì sợ hãi, họ còn thấy có những hình ma bóng quế mà thật ra không có gì cả. Mặc dầu họ cứ tin tưởng rằng những gì họ thấy là đúng nhưng chúng ta không thấy như vậy. Do những hành động khác nhau trong quá khứ và chức năng hoạt động của trạng thái tâm lý nhiễu loạn hiện tại mà có sự khác nhau như thế.

Ðối với một người đã tiến xa trên con đường giác ngộ thì thế gian này là thanh tịnh. Ðối với một người mà tâm hồn chứa đầy sự sân hận thì thế gian tồi tệ này là cảnh địa ngục. Thế gian này tự nó không phải là đầy niềm vui hay đầy nỗi khổ và cảm nhận của chúng ta về nó tùy thuộc vào hành vi mà chúng ta đã làm trong quá khứ và tùy thuộc vào cách mà chúng ta cảm nhận nó trong hiện tại. Cảnh địa ngục và cảnh thanh tịnh là do tâm thức của chúng ta tạo tác. Tâm thức của chúng ta là đầu nguồn, là kẻ tạo dựng ra những cảm nhận của chúng ta.

Biết như vậy chúng ta luôn nhận thức rằng phương pháp duy nhất để đạt được một trạng thái hạnh phúc hoàn hảo và lâu bền là làm cho tâm ý của chúng ta thanh tịnh, tức là không còn những trạng thái tâm lý nhiễu loạn, những dấu ấn và những nhơ uế do nghiệp cũ của chúng ta để lại. Chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện việc này và chúng ta có thể thực hiện được. Một đoạn thi ca Phật giáo hiện đại dựa trên kinh Pháp Cú đã viết như sau:

Do chúng ta làm nên điều quấy,
Do chúng ta làm nên nỗi đau.
Do chúng ta dừng tay tội lỗi
Do chúng ta thanh tịnh nhiệm mầu

Không người nào cứu rỗi được ta
Không ai có thể, không ai đâu.
Ðức Phật chỉ chỉ đường dẫn lối
Còn chúng ta phải bước chân mau.

Chư Phật chỉ cho chúng ta con đường cần phải đi. Chư Phật biết con đường vì chính các ngài đã đi qua con đường đó. Những vị hiện giờ là chư Phật trước kia cũng đã từng bị rối ren mù mờ và khó khăn như chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đi theo con đường này mà chư vị đã làm thanh tịnh được tâm ý và phát triển đến chỗ viên mãn những phẩm chất cao thượng nhất của con người và trở thành những vị Chánh Ðẳng Giác. Chúng ta cũng có thể làm y như vậy.

Chư Phật hướng dẫn chúng ta, chúng ta phải làm theo sự hướng dẫn đó. Thầy giáo có thể dạy chúng ta nhưng thầy giáo không thể học dùm cho chúng ta; cũng vậy, chư Phật có thể hướng dẫn chúng ta phương cách thực hành nhưng chính chúng ta phải là người thực hành. Một bài kinh nói rằng:

Ðể rửa trôi đi những nặng nề ác trược
Chư Phật đâu thể "sái tịnh" bằng giọt nước;
Ðể tẩy trừ niềm đau và nỗi khổ
Chư Phật đâu thể dùng bàn tay ấn quyết;
Chư Phật cũng đâu thể nào "chuyển khoản"
Sự giác ngộ sang "tài khoản" của chúng sinh.
Ðể độ thoát vạn loại hàm linh.
Chư Phật chỉ truyền dạy con đường như thật.

Trong khi đạo Phật nhấn mạnh trách nhiệm mà mỗi cá nhân phải tự làm, điều đó không có nghĩa là chúng ta đơn thân độc hành trên con đường đạo. Chúng ta có thể nương tựa vào sự hướng dẫn và phấn khởi với Ngôi Tam Bảo: chư Phật, Giáo PhápTăng-già.

Chư Phật là những vị đã thanh lọc hoàn toàn tất cả sân hận, tham nhiễm, u mê và vị kỷ ra khỏi tâm thức; đã phát triển viên mãn tất cả những phẩm tính tốt đẹp như tâm từ bình đẳng, lòng bi thương xót và trí tuệ soi sáng.

Giáo pháp hay giáo lý là những miêu tả về thực tại như thật cùng với những trạng thái và trường hợp chấm dứt tình trạng rối khổ do vô minh gây nên. Theo nghĩa phổ thông thì giáo pháp là những lời dạy của Ðức Phật dẫn dắt chúng ta nhận chân ra thực tại như thật.

Tăng-già là nói đến những vị đã nhận ra được thực tại vô ngã, cái thực tại mà trong đó không có một cái ngã tự nó tồn tại một cách độc lập. Những vị đã tiến xa trên con đường giải thoát và giác ngộ này có thể là tăng ni mà cũng có thể là cư sĩ tại gia. Nhưng theo nghĩa phổ thông thì tăng-già là đoàn thể của các vị tăng ni, những người đã dành hết cuộc đời của mình cho việc tu tập bản thân và làm lợi lạc cho người khác.

Theo sách THUẦN HÓA TÂM HỒN (Thupten Chodron - Nguyên tác: Taming the Monkey Mind)

url: http://thuvienhoasen.org/a10312/thuan-hoa-tam-hon

24/8/16

Chuyến từ thiện tại làng Việt Kiều, ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh ngày 20-08-2016



Sáng 4h30 Nhóm cùng 3 Soeur: Soeur Tâm, Soeur Thủy (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giê Su Linh Mục), Soeur Danh (Tu Viện Thánh Mẫu Thích Quảng Đức) cùng tập trung tại cty Bánh Kẹo Arttango để chuyển các phần quà lên xe tải 2 tấn. Các phần quà này cũng đã được các công nhân phân ra 100 phần từ ngày hôm trước.


Sơ đồ đường đi đến làng Chài Tây Ninh dọc Biển hồ Dầu Tiếng

Theo thông tin tìm thấy trên internet thì tại làng chài này có tới hơn 211 hộ nghèo, tuy vậy nhờ có Ba của 1 bạn trong cty biết rõ nên cho biết chỉ khoảng 100 hộ là thực sự nghèo không có nhà cửa, chỉ sống tạm bợ bằng những chòi lá giăng bạt dọc ven biển hồ Dầu Tiếng. Vì thế nhóm chuẩn bị 100 phần quà cho chuyến đi lần này. Về khâu chuẩn bị quà thì nhóm và các Soeur đã chu toàn nhanh chóng đâu vào đó, tuy nhiên nhóm và các Soeur cũng không biết việc phát quà với số lượng nhiều hộ nghèo sẽ ra sao, có bị lộn xộn không hay sẽ phát sinh vấn đề tranh giành quà, người có quà người không có quà dẫn đến khả năng xảy ra chụp giựt... đó là dấu chấm hỏi cho mọi người chúng tôi trong khi đang trên đường đi đến làng.

Trước khi đến làng nhóm có liên lạc với các anh dân quân xã để được các anh hỗ trợ in phiếu phát sẵn cho khoảng 30 hộ tại ấp Đồng Kèn 2 và 70 hộ tại ấp Tà Dơ và lân cận. Khoảng 8h30 nhóm cùng các Soeur đã đến tận nơi làng Chài: hiện ra trước mắt nhóm là hình ảnh sống động các gia đình có nhiều trẻ sống tại các chòi lá được xây dựng tương đối cao nhằm tránh nước hồ Dầu Tiếng dâng cao. Các em nhỏ đi theo các Soeur và các thành viên nhóm xin kẹo bánh để ăn thật là tội nghiệp, còn các thành viên nhóm tìm cách đến vị trí tập trung phát quà mà cũng bị các em nhỏ chen lấn bám theo xe để xin lấy quà:





Trong làng có nhiều hộ nghèo khác do không được phát phiếu lên tiếng rằng: ”chúng tôi không có phiếu nhận quà” làm các Soeur phải băn khoăn. Các chòi thì tạm bợ được che chắn bằng những tấm bạt tránh mưa nắng, người nghèo thì ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài phía hồ Dầu Tiếng mênh mông, ánh mắt vô định như chính cuộc đời mà họ đang trải qua...:





Đúng 9h nhóm và Soeur cùng với các anh dân quân Xã tập trung 1 chỗ để phát 100 phần quà. Do tình hình không như dự tính nhóm muốn phát trực tiếp tại vị trí các chòi lá tại dọc Biển Hồ nên nhóm tách 100 phần quà gồm: 10kg gạo và 1 thùng mì gói/phần để phát trước.





Số còn lại 100 phần gồm: dầu ăn, đường, nước mắm, chà bông, sữa hộp ông thọ,.. dự tính sẽ đến Giáo Xứ Suối Dây để nhờ Cha Trường phân phát trực tiếp đến đúng các hộ thật sư nghèo tại ven Hồ. Nhóm cùng Soeur tranh thủ chụp hình lưu niệm với các anh dân quân xã:



Sau khi chia tay với các anh, nhóm cùng Soeur trực tiếp quay lại các nhà chòi ven hồ để phát 100 phần bắp rang mà các Soeur đã chuẩn bị. Tới nơi các thành viên nhóm và các Soeur thật vất vả tập trung các em và phải phát làm sao tránh tình trạng các em nhỏ lấy nhiều lần để tránh em có quà em không có. Các em thì xô đẩy chen lấn để làm sao lấy được nhiều quà càng tốt:



Hạnh phúc với mọi người là những giây phút kỷ niệm như thế này đây: ”Cho và nhận”



Chia tay với các em nhỏ nhóm và các Soeur tiếp tục lên đường đến Giáo Xứ Suối Dây gặp gỡ thăm Cha Trường vả nhờ Cha chuyển phát 100 phần quà còn lại cùng những bao đồ cũ do công nhân cty đã chuẩn bị sẳn để Cha phát đến trực tiếp hơn đến với những gia đình khó khăn còn lại tại đây.




Các Soeur thăm hỏi và trao đổi với Cha những thông tin thêm của những gia đình Việt quay về Việt Nam và những dự tính trong tương lai về việc giúp đỡ hơn nữa. Cũng nhờ Cha nhóm và Soeur hiểu thêm nhiều những hoàn cảnh tại đây và phải cần rất nhiều thời gian và sức lực để có thể giúp đỡ cho các hộ nghèo làm sao có thể tự vươn lên kiếm sống và hòa vào với dòng chảy cuộc sống xung quanh hy vọng được tốt đẹp hơn.

Xin chân thành cảm ơn các Soeur Tâm, Soeur Thủy (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giê Su Linh Mục), Soeur Danh (Tu viện Thánh Mẫu) và tất cả các anh chị em trong cty cùng với các mạnh thường quân: tài trợ chính lâu dài DT của nhóm, Anh Phê Rô Vũ Văn Quí (cty Dầu dừa Tin Vui), 1 bệnh nhân Của Soeur Minh Tâm,... đã ủng hộ vật chất cũng như tiền bạc để nhóm hành trình từ thiện đi đến vào trao những món quà nhỏ đầy tình thương yêu chia sẻ đến với những gia đình Việt kiều Campuchia quay trở về quê hương lập nghiệp, hầu giúp họ phần nào vững tin hơn trong cuộc sống.

Nhóm hành trình từ thiện

14/8/16

Chuyến từ thiện tại Sông Mây - Vĩnh Cửu - Đồng Nai ngày 07-08-2016



Đợt từ thiện lần này, ngoài sự hỗ trợ thường xuyên lâu dài của vợ chồng Danh, nhóm còn được sự ủng hộ của các mạnh thường quân bên Mỹ là mẹ và bạn mẹ của thành viên Lan cùng sự hỗ trợ đồng từ thiện của Soeur Tâm – Dòng Nữ Tỳ Chúa Giê Su Linh Mục tại Hố Nai 3. vì thế trước ngày khởi hành các thành viên hăng hái tích cực chuẩn bị các phần quà từ thiện đầy đủ hơn: gồm 10 phần quà đi trực tiếp các hộ và 20 phần quà để phân phát cho các gia đình khó khăn tại Giáo Xứ Bùi Đệ. Mỗi phần quà gồm: 20kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1 kg Đường, 1 chai nước mắm, 2 gói chà bông, 10 mì gói,...
Sáng sớm ngày 07-08-2016 lúc 6h nhóm tiến hành chất hàng từ thiện lên xe xuất phát đi đến chỗ Soeur. Các Soeur cũng đã vừa hoàn tất 1 xe tải nhỏ chở hàng từ thiện theo. Nhóm chúng tôi cùng với các Soeur tiếp tục chạy thêm 20km nữa để đến Giáo Xứ Bùi Đệ chuyển xuống 1 phần quà từ thiện để đến trưa 11h sẽ quay lại đây phát quà cho những gia đình khó khăn nghèo khổ.

Sau đây là một số hình ảnh phát quà tại Giáo Xứ Bùi Đệ:








Sau đó nhóm tiếp tục lên đường đi thăm trực tiếp 10 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất như bại liệt, bại não, già neo đơn,... nhờ có Soeur Điệp cùng với Anh Tịnh-Gia Trưởng Giáo xứ Bùi Đệ chạy xe honda dẫn đầu hướng dẫn nhóm đến tận các hộ qua các ngõ ngách trong các khu vực Sông Mây.
Chúng tôi rất hứng khởi đi cùng Seour vào những con đường ngõ ngách sâu bên bìa rừng, đến gặp các hộ đầu tiên các thành viên đều xúc động chứng kiến những trường hợp bị bại liệt nhiều năm do chấn thương té va đập đầu vào đá hoặc do tại nạn xe,.. phải nằm liệt một chỗ tay và chân không cử động được phải nhờ gia đình nuôi ăn một đời sống thực vật, những hoàn cảnh người già neo đơn không người nuôi dưỡng ở những nhà chòi chuồng bò,v.v... Các Soeur và các thành viên thăm hỏi động viên và cũng đã trao những món quà từ thiện nhỏ nhưng đối với họ rất đầy tình thương yêu. Thật cảm động đến rơi nước mắt khi gia đình cảm ơn chân thành vừa rơi nước mắt khi cảm nhận được sự chia sẻ yêu thương của nhóm.

Sau đây là một số hình ảnh các hộ khó khăn tật nguyền:

Anh Phong do tai nạn bị bị bể sọ não bại liệt thật đáng thương


Anh Cuốn bị tai nạn xe bị liệt tay chân anh càng ngày càng bị rút nhỏ không cử động được


Bà Kha thật đáng thương bà bị bệnh chân tay run suốt 10 năm nay, không đi đứng được


Anh Thân bị tai nạn xe tải dẫn đến chấn thương sọ não và chân tay run (vắng mặt do đi khám bệnh)
Bà Anh mấy năm nay bị bệnh đau khớp còn Chồng bà lại có tật bẩm sinh
Ông Thọ bị tiểu đường nhiều năm dẫn đến biến chứng mắt mù có một đứa con 38 tuổi bị tâm thần


Hoàn cảnh Ông Hòa sống đơn độc một mình không có nhà cửa ở nhờ trong nhà bò thật đáng thương


Chi Thanh bị ung thư não ở cấp độ 4


Bà Phượng sống một mình phải đi mò cua bắt óc để sống qua ngày


Bà Diễm nghèo sống độc thân không ai nương tựa


Ông Tư nghèo đơn độc, bị bệnh chóng mặt, tay bị run chân lại yếu


Chị Thanh mang căn bệnh thật đáng thương hậu sản mòn phải nuôi hai đứa con gái


Danh sách Các mạnh thường quân giúp đở cho chuyến từ thiện này:
1/ tài trợ chính lâu dài DT của nhóm: 100USD
2/ Cô Tuyết Việt kiều Mỹ (mẹ của thành viên Lan): 100USD
3/ Cô Phương Việt kiều Mỹ (bạn của mẹ của thành viên Lan): 200USD
4/ Soeur Tâm và nhà Dòng Nữ Tỳ Chúa Giê Su Linh Mục: 5,000,000 VNĐ
5/ Doanh (trưởng nhóm từ thiện): 2,100,000 VNĐ
6/ Tiền (thành viên): 500,000 VNĐ
7/ Tư và Đại (thành viên): 500,000 VNĐ
8/ Lan(thành viên):200,000 VNĐ
9 Khánh(thành viên):100,000 VNĐ
Tổng cộng: 16,800,000 VNĐ

Đến 13h30 nhóm hoàn thành xong chuyến từ thiện, ai cũng đói nhưng vẫn tươi cười cố gắng tiếp tục băng qua Đảo Đồng Trường-Chim Ó, nấu lẩu Gà lá Giang ăn uống, tham quan Đảo và câu cá,.. cho tới 17h30 lên xe quay trở về TP.





Xin chân thành cảm ơn đến tất cả các mạnh thường quân và các thành viên nhóm đã hỗ trợ và giúp đỡ tiền bạc, vật chất cũng như sức lực để nhóm có điều kiện đến chia sẻ 1 phần yêu thương đến những mãnh đời cam chịu tật nguyền, neo đơn cô quạnh,... giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống, qua đó họ cũng hiểu rằng vẫn luôn có những con người quan tâm, động viên và chia sẻ những món quà nhỏ đầy tình thương yêu đến họ.

Sông Mây-Vĩnh Cửu-Đồng Nai 7-8-2016

29/5/16

Chuyến từ thiện tại xã Đồng Phú - Vĩnh Long ngày 22-05-2016



Trong chuyến từ thiện tại Vĩnh Long lần thứ 2 này, nhóm Hành Trình Từ Thiện chúng tôi chuẩn bị 10 phần quà cho 10 hộ gia đình nghèo bệnh tật, mỗi phần quà gồm: 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm, 1 kg đường, 20 kg gạo, 1 gói chà bông, 20 mì gói, 1 bột ngọt, 1 hạt nêm,… Tiếp đón nhóm có Anh Tư Bích cùng với các anh xe ôm chở chúng tôi đi khắp các ngã đường ngoằn ngoèo trong ấp dưới trời mưa. Các con đường nhỏ đi đến các hộ đầy ổ gà sình lầy khó đi, có lúc phải đi bộ qua các cầu tre nhỏ vất vả, nhưng nhóm với tiêu chí mong muốn tận tay mang những món quà đến cho các hộ gia đình nên cũng cố gắng tất cả sức mình để hoàn thành công tác từ thiên đầy ý nghĩa.

Hình ảnh nhóm đi đến thăm hỏi và trao quà từng hộ gia đình có các hoàn cảnh khó khăn khác nhau:

Bà Bé 93 tuổi, nhức chân không đi và đứng được


Bà Kim 88 tuổi, bị khô não


Bà Sinh 74 tuổi, bị tai biến


Bà Mười 96 tuổi, bị bệnh loét bao tử


Ông Năm 53 tuổi, bị tai biến


Bé An 3 tuổi, bị bệnh bại não


Bà A 86 tuổi, bị tai biến


Bà Bé 81 tuổi, bị đột quỵ


Bà Duyên 81 tuổi, bị đau đầu neo đơn không ai chăm sóc


Bà Dung 60 tuổi, bị bệnh bại liệt

Sau đây là một vài tấm hình kỷ niệm chuyến đi của nhóm trong khoảnh khắc trời mưa lất phất của xứ Vĩnh Long:

Sơ đồ đường đi

Phà Tân Phú



Tới Xã Đồng Phú Các thành viên tích cực phân quà, cân gạo chia ra thành 10 phần


Những chặng đường lầy lội in lại dấu chân tròn trên sình cát của các thành viên khi đến thăm từng hộ gia đình khác nhau:









Sau 14h nhóm kết thúc việc tặng quà từ thiện, quay về chỗ gửi xe tìm chỗ ăn trưa sau đó khởi hành về lại thành phố. Đây là chuyến đi khá nhiều vất vả so với chuyến đi Xã Măng Thít - Vĩnh Long đợt trước. Chúng tôi phải đi xe ôm, đi bộ trên đường sình lầy qua các cây cầu khỉ nhỏ ai cũng mệt nhoài nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bình yên vì luôn nghĩ mình cũng đã chia sẻ những món quà nhỏ ấm áp đầy tình người đến tận tay những gia đình khó khăn bệnh tật hầu giúp được phần nào tinh thần và vật chất cho họ. Chúng tôi cũng thầm nghĩ và thương cho các cụ già bệnh tật neo đơn sống xa tp trong những vùng hẻo lánh như vậy chắc chắn sẽ rất cảm kích nếu nhận được chút tình thương, chia sẻ tấm lòng của mọi người.


Xin cảm ơn sự bảo trợ và ủng hộ trường kỳ của các nhà tài trợ, sự đóng góp công lao cũng như vật chất từ các thành viên nhóm và các nhân viên công ty: Chị Hương (qlsx Bánh), Cửu (Tổ trưởng phân xưởng Bánh), Nương, Lan (Tổ trưởng phân xưởng kẹo),.. và anh Tư Bích cùng các anh xe ôm tại Vĩnh Long đã giúp đỡ cho nhóm “hành trình tự thiện” hoàn thành công tác thực hiện đúng mục tiêu nhóm:
“Hành trình ta đi khắp bốn phương
Trải lòng chia sẻ những yêu thương
Đến những mảnh đời nhiều đau khổ
Cam chịu tật nguyền, thiếu tình thương
Con đường ta đi sẽ rất xa
Dù có gian nan vẫn xông pha
Đến khi cuộc đời phai mái tóc
Nhắm mắt xuôi tay vẫn mỉm cười”

Đồng phú - Long Hồ - Vĩnh Long, 22-05-2016
TN.Nhóm Hành Trình Từ Thiện